TỪ BỊ HẠI TRỞ THÀNH... BỊ CÁO!

21/12/2018 02:08

Vụ án: Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Xét xử tại Tòa án Quân sự Quân khu 5

Bị cáo: Nguyễn Đình Vỹ

Bị hại: Nguyễn Việt Nguyên (đã chết) và Nguyễn Thành Đồng (cán bộ quân đội)

Luật sư bào chữa cho bị cáo: Luật sư Vũ Như Hảo (Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Vũ Như Hảo và Cộng sự) tham gia cả 3 phiên xét xử.

TÓM TẮT VỤ ÁN:

       Vào ngày 23/03/2014, Nguyễn Đình Vỹ điều khiển xe mô tô trên quốc lộ 29 theo hướng Đông Tây. Nguyễn Thành Đồng điều khiển xe mô tô chở Nguyễn Việt Nguyên ngồi sau theo hướng ngược chiều. Cả ba đều đã uống bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khoảng 14 giờ 50 phút, khi đến Km 37 + 130 quốc lộ 29 thôn Xuân Thạnh, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên thì hai xe va chạm nhau khiến Nguyễn Việt Nguyên chết tại chỗ, còn Vỹ và Đồng bị thương nặng, bất tỉnh. Đoạn đường nơi xảy ra tai nạn là đoạn đường thẳng, hẹp 3,5m, đường trải nhựa bằng phẳng, mặt đường ướt do trời mưa và đường không có vạch phân cách. Lề đường phia bắc rộng 0,8m và tiếp giáp mương nước, lề đường phía nam rộng 1,3m và tiếp giáp nhà dân.

BẢN ÁN SƠ THẨM LẦN 1:

Nội dung:

          Về hình sự:

          Tuyên bị cáo Nguyễn Đình Vỹ phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”

         Áp dụng điểm đ, khoản 2, Điều 202; các điểm b, p khoản 1, khoản2 Điều 46, Điều 57 BLHS xử phạt bị cáo Nguyễn Đình Vỹ 18 (Mười tám) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày thi hành án.

         Về bồi thường thiệt hại:

         Buộc bị cáo Nguyễn Đình Vỹ bồi thường:

       + Bồi thường thiệt hại cho Nguyễn Việt Nguyên với đó tiền 78.100.000 đ (Bảy mươi tám triệu một trăm nghìn đồng) và phải cấp dưỡng cho hai cháu Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Văn Triết mỗi cháu là 850.000 đ (Tám trăm năm mươi nghìn đồng)/tháng.

        + Bồi thường cho bị hại Nguyễn Thành Đồng số tiền 83.176.449 đ (Tám mươi ba triệu một trăm bảy mươi sáu ngàn bốn trăm bốn mươi chín đồng).

BẢN ÁN PHÚC THẨM:

Nội dung:     

      Hủy bản án sơ thẩm số 13/2014/HSST ngày 24/09/2014 của Tòa án quân sự Khu vực 2 – Quân khu 5 đối với Nguyễn Đình Vỹ. chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát Quân khu 5 để điều tra lại theo thủ tục chung.
 

BẢN ÁN SƠ THẨM LẦN 2:

       Về hình sự:

       Tuyên bị cáo Nguyễn Đình Vỹ và bị cáo Nguyễn Thành Đồng phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” xử phạt bị cáo Nguyễn Đình Vỹ 06 (sáu) tháng tù treo, xử phạt bị cáo Nguyễn Thành Đồng 06 (sáu) tháng tù treo.

       Về bồi thường thiệt hại:

       Buộc bị cáo Nguyễn Đình Vỹ và bị cáo Nguyễn Thành Đồng cùng bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại anh Nguyễn Việt Nguyên với số tiền 78.100.000 đ (Bảy mươi tám triệu một trăm nghìn đồng) và phải cấp dưỡng cho cháu Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Văn Triết mỗi cháu là 850.000 đ (Tám trăm năm mươi nghìn đồng)/tháng.
 

VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ

Vai trò của Luật sư Vũ Như Hảo trong quá trình bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đình Vỹ là giúp bị cáo Vỹ KHÔNG BỊ KẾT ÁN OAN

         Trải qua 3 phiên tòa, Luật sư đã đấu tranh để làm rõ sự thật của vụ án là ông Nguyễn Thành Đồng không phải là bị hại mà cũng là người gây án (bị cáo). Nếu ông Đồng là bị hại thì trách nhiệm của bị cáo Vỹ sẽ cao hơn rất nhiều cả về trách nhiệm hình sự (hậu quả là 1 người bị chết và một người bị thương nặng) lẫn trách nhiệm dân sự (bồi thường). Bằng chứng là bản án sơ thẩm lần đầu bị cáo Vỹ bị kết án 18 tháng tù giam, bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại Nguyễn Việt Nguyên và ông Nguyễn Thành Đồng. 

        Kết quả là HĐXX cấp phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm điều tra lại. Tại phiên xét xử sơ thẩm lần hai, ông Nguyễn Thành Đồng từ bị hại đã trở thành bị cáo và cả hai bị cáo Vỹ và Đồng đều bị kết án 6 tháng tù nhưng được hưởng án treo. Cơ sở để Luật sư Vũ Như Hảo bào chữa thành công cho bị cáo Nguyễn Đình Vỹ là những lập luận sau:  

Luận cứ của Luật sư:

    Thứ nhất, Bản án sơ thẩm đã xác định chưa đúng người, đúng tội và bỏ lọt tội phạm. Cụ thể, Bản án sơ thẩm xác định lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo Nguyễn Đình Vỹ còn anh Nguyên và anh Đồng là bị hại khi chỉ dựa vào căn cứ đo tim đường và xác định xe của bị cáo khi ngã nằm ở vị trí lấn đường là 05 cm mà không phân tích các dấu vết và các chứng cứ còn lại là phiến diện, chủ quan. Luật sư xác định trong vụ tai nạn này bị cáo có một phần lỗi, nhưng ngoài bị cáo thì lỗi thuộc về anh Đồng. Anh Đồng cũng vi phạm quy định về tránh xe đi ngược chiều theo quy định tại Điều 17 của Luật Giao thông đường bộ. Theo Điều 17 Luật GTĐB, cả bị cáo và anh Đồng đều có nghĩa vụ, trách nhiệm giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều chạy của mình. Ngoài ra, dựa theo lời khai của anh Đồng tại phiên Tòa cũng như tại Cơ quan điều tra anh Đồng đã thừa nhận lỗi của mình về việc không tránh xe ngược chiều. Như bản án sơ thẩm lần đầu xác định thì chỉ một mình bị cáo có lỗi, vậy người dân thường khi gặp người bên quân đội phải có trách nhiệm tránh đường còn người trong quân đội thì không cần tránh đường? Cơ quan tiến hành tố tụng đã không xem xét đến lỗi của anh Đồng trong vụ tai nạn này mà lại xác định anh Đồng là người bị hại cùng với anh Nguyên là một sai lầm nghiêm trọng!

    Thứ hai, Cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã bỏ qua, thực hiện không đúng thủ tục, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện.

Cụ thể:

+ Không tiến hành đo nồng độ cồn và cũng không lập biên bản nêu lý do của việc không đo được nồng độ cồn. Điều này, rất có ý nghĩa để xác định được lỗi của anh Vỹ và anh Đồng. Khi cả anh Vỹ, anh Đồng và anh Nguyên đã uống rượu, bia tinh thần phấn khích nên chạy tốc độ rất nhanh. Minh chứng kết quả của vụ tai nạn là sự cộng hưởng chứ không phải do một bên chạy nhanh, cụ thể hai xe khi va chạm văng ra xa nhau và xa tâm vụ tai nạn.

+ Không tiến hành giám định thương tật đối với anh Vỹ mà chỉ giám định đối với anh Đồng. Trong khi chính anh Vỹ cũng có thể là nạn nhân trong vụ tai nạn trên. Đây là sự duy ý chí, chủ quan và có quan điểm áp đặt khi cho rằng cứ người còn sống là người phạm tội, còn người chết là bị hại.

+ Khi xảy ra vụ việc, nhận được tin báo của quần chúng cơ quan có thẩm quyền (có thể là công an địa phương, có thể là cảnh sát giao thông, công an huyện,…) đến hiện trường và phải lập biên bản vụ việc. Đây là tài liệu phản ánh chân thực vụ án nhưng lại không có trong hồ sơ vụ án. Hiện trường bị xáo trộn (theo biên bản) không chỉ rõ được nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn cũng như xác định lỗi các bên ví dụ như việc không xác định được anh Vỹ, Nguyên và Đồng có đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không? Nguyên nhân cái chết của anh Nguyên là chấn thương sọ não. Do đó, nếu anh Đồng và anh Nguyên khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm theo quy định thì đó có thể cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến hậu quả. Điều này đã không được cơ quan điều tra làm rõ.

+ Cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ lời khai của người làm chứng.

+ Cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được tốc độ khi tham gia giao thông của anh Vỹ và anh Đồng.

      Thứ ba, về không gian xảy ra tai nạn: Trời mưa, âm u, đường trơn nên tầm nhìn hạn chế. Đường hẹp 3,5 m, không có phân cách, bên phía phải của bị cáo tham gia giao thông là mương nước. Cả bị cáo và anh Đồng đều chạy giữa đường vì sợ chạy ở mép đường có thể gây tai nạn.

      Như vậy, sự việc xảy ra không hoàn toàn là lỗi của một mình anh Vỹ mà anh Đồng cũng có một phần lỗi gây ra hậu quả đáng tiếc cho anh Nguyên.

      Từ những phân tích trên, Luật sư đã chỉ ra trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm lần đầu cũng không phân tích chứng minh được nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn và xác định lỗi của người tham gia giao thông qua các chứng cứ như biên bản khám nghiệm, bản ảnh hiện trường, sơ đồ hiện trường. Bằng những chứng cứ hùng hồn cũng như những phân tích chặt chẽ của mình Luật sư đã góp phần minh oan, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

        Bản án sơ thẩm lần 2 là kết quả của cả một quá trình cố gắng không từ bỏ quyết tâm đi tìm lại sự thật. Sự kiên trì bền bỉ, sự quyết tâm của cả Luật sư và thân chủ.

        Toàn văn Bản án xem TẠI ĐÂY