NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ

17/05/2019 07:51

Khi khởi kiện vụ án dân sự, người khởi kiện cần lưu ý những vấn đề sau:

1) THỨ NHẤT, CẦN KIỂM TRA XEM CÓ ĐƯỢC QUYỀN KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ HAY KHÔNG? 

Để khởi kiện vụ án dân sự, chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện và có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) người khởi kiện phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, đất đai, nhà ở. 

Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền hay lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách, trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật quy định quyền khởi kiện của các cá nhân, cơ quan, tổ chức gồm: Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện trong trường hợp cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. 

Ngoài ra, bạn còn phải kiểm tra năng lực hành vi tố tụng dân sự để tham gia vụ kiện dân sự. Đối với cá nhân thì phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, đối với cơ quan, tổ chức phải là người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền. Trường hợp cá biệt đối với người tử đủ 15 tuổi - chưa đủ 18 tuổi, nếu đã tham gia hợp đồng lao động hoặc thực hiện các giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình thì vẫn có quyền tham gia tố tụng dân sự. Những quan hệ khác thì việc bảo vệ quyền, nghĩa vụ của họ do người đại diện theo pháp luật thực hiện. 

Tóm lại, đối với quyền khởi kiện thì điều cơ bản nhất người khởi kiện cần biết đó là khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua người khác để khởi kiện. 

THỨ HAI, CẦN XÁC ĐỊNH TRANH CHẤP CÓ CÒN THỜI HIỆU KHỞI KIỆN HAY KHÔNG? 

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà các chủ thể có quyền khởi kiện được quyền yêu cầu tòa án giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động để bảo vệ quyền, lợi ích bị xâm phạm. Hết thời hạn đó thì chủ thể khởi kiện mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật không tính thời hiệu khởi kiện như đối với yêu cầu hoàn trả lại tài sản thuộc sở hữu nhà nước, yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện hoặc trường hợp quy định tại Điều 186 BLTTDS, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ, pháp luật quy định không tính vào thời hiệu khởi kiện khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng; trở ngại khách quan; người có quyền khởi kiện chưa thành niên, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà chưa có người đại diện; người đại diện của họ bị chết mà chưa có người thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện. 

THỨ BA, CẦN BIẾT TÒA ÁN NÀO CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP? 

Khi có một tranh chấp phát sinh bạn muốn khởi kiện tại Tòa án, trước tiên phải xác định được Tòa án nơi nào có thẩm quyền giải quyết. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình giải quyết vụ án, vụ việc tranh chấp; đảm bảo tối ưu quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để xác định chính xác thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì người khởi kiện cần phải nắm được những quy định sau: 

Thẩm quyền chung:

Để xác định tranh chấp có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không bạn cần đối chiếu quy định các Điều 26, Điều 28, Điều 30 và Điều 32 của BLTTDS như sau: 

Thẩm quyền chung

Tranh chấp Dân sự

Tranh chấp Hôn nhân gia đình

Tranh chấp Kinh doanh Thương mại

Tranh chấp Lao động

Căn cứ

Điều 26 BLTTDS

Điều 28 BLTTDS

Điều 30 BLTTDS

Điều 32 BLTTDS



Thẩm quyền Tòa án theo cấp xét xử: 

SƠ ĐỒ THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN THEO CẤP XÉT XỬ

Tòa án nhân dân cấp Huyện

Sơ thẩm vụ việc dân sự nói chung theo Điều 44 Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014 (LTCTAND) và Điều 35, Điều 36 của BLTTDS.

Tòa án nhân dân cấp Tỉnh

Sơ thẩm các vụ việc dân sự nói chung theo quy định Điều 37 và điểm a của các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 38 BLTTDS.

Phúc thẩm các bản án, quyết định về các vụ việc dân sự nói chung chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân  cấp huyện theo điểm b của các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 38 BLTTDS.

Tòa án nhân dân Cấp cao

Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 33 LTCTAND); (khoản 1, Điều 17 BLTTDS).

Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh, cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật thuộc phạm vi lãnh thổ bị kháng nghị. (Điều 32 LTCTAND; khoản 1 Điều 337 và Điều 357 BLTTDS).

Tòa án nhân dân Tối cao

Giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các  tòa án bị kháng nghị giám đốc, tái thẩm theo quy định (khoản1 Điều 20, Điều 23 LTCTAND; khoản 2, khoản 5 Điều 337 BLTTDS)


Thẩm quyền giải quyết vụ án theo lãnh thổ được xác định 3 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Trong trường hợp đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản mới có thẩm quyền giải quyết. 

Trường hợp 2: Các đương sự có quyền tự thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú làm việc của nguyên đơn. 

Trường hợp 3: Trong trường hợp đối tượng tranh chấp không là bất động sản và nguyên đơn, bị đơn không có thỏa thuận hoặc nguyên đơn không có quyền chọn Tòa án theo Điều 40 BLTTDS thì trường hợp này Tòa án nơi bị đơn cư trú sẽ có quyền giải quyết. 

Thẩm quyền của Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn: 

Căn cứ theo quy định tại Điều 36 BLTTDS, nguyên đơn có quyền lựa chọn Toà án giải quyết tranh chấp về dân sự trong các trường hợp sau đây: 

- Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết. 

- Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết. 

- Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết. 

- Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết. 

- Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết. 

- Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết. 

- Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi có một trong các bất động sản giải quyết. 

THỨ TƯ, CẦN BIẾT MỨC TẠM ỨNG ÁN PHÍ VÀ ÁN PHÍ 

Khi quyết định khởi kiện một tranh chấp dân sự ra Tòa để giải quyết thì một điều người khởi kiện cần phải biết để có sự chuẩn bị trước đó là tiền tạm ứng án phí. Hiện nay, những quy định về án phí, tạm ứng án phí được quy định tại Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 và được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP, vì vậy khi khởi kiện thì người khởi kiện cần phải tìm hiểu ký nội dung của 02 văn bản trên để có kế hoạch về tài chính cho phù hợp. 

Đặc biệt, người khởi kiện cần xem xét những trường hợp được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí được quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12. Ngoài ra, nếu người khởi kiện không thuộc trường hợp được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, nhưng hoàn cảnh kinh tế tại thời điểm khởi kiện có nhiều khó khăn thì có thể làm đơn yêu cầu được giảm một phần (tối đa không quá ½) tiền tạm ứng án phí, án phí. 

Dưới đây là bảng mức án phí theo quy định: 

Giá trị tài sản có tranh chấp

Mức án phí

 - Từ 4.000.000 VNĐ trở xuống.

 = 200.000 VNĐ.

 - Từ trên 4.000.000 VNĐ đến 400.000.000 VNĐ.

 = 5% giá trị tài sản có tranh chấp.

 - Từ trên 400.000.000 VNĐ đến 800.000.000 VNĐ.

 = 20.000.000 VNĐ + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 VNĐ.

 - Từ trên 800.000.000 VNĐ đến 2.000.000.000 VNĐ.

 = 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 VNĐ.

 - Từ trên 2.000.000.000 VNĐ đến 4.000.000.000 VNĐ.

 = 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 VNĐ.

 - Từ trên 4.000.000.000 VNĐ.

 = 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 VNĐ.



* Lưu ý: Đối với người lao động khi khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; thì sẽ được miễn toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí. Tuy nhiên đối với yêu cầu đòi tiền thưởng thì phải đóng tiền tạm ứng án phí và phải chịu án phí đối với những yêu cầu không được Tòa án chấp nhận.

THỨ NĂM, CHUẨN BỊ ĐƠN KHỞI KIỆN VÀ TÀI LIỆU KÈM THEO

Theo nguyên tắc Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện. Vì vậy, muốn khởi kiện thì người khởi kiện phải có đơn khởi kiện để nêu lên yêu cầu khởi kiện của mình. 

Hiện nay, mẫu đơn khởi kiện được ban hành theo mẫu số 01, Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP. Tuy nhiên để soạn thảo một đơn khởi kiện có đầy đủ nội dung và phù hợp với yêu cầu khởi kiện thì không phải bất kỳ ai cũng có thể soạn thảo, vì vậy khi cần soạn thảo đơn khởi kiện, người khởi kiện nên nhờ Luật sư hoặc những người có hiểu biết về pháp luật soạn thảo, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình. 

Khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện cần phải nộp thêm những tài liệu đính kèm để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ vào hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vì những lý do khách quan mà tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện chưa cung cấp được những tài liệu kèm theo thì người khởi kiện có thể bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. 

Ngoài ra, khi nộp đơn trực tiếp thì có nhiều Tòa án không cấp biên nhận đơn khởi kiện cho người nộp đơn, trong khi việc cấp biên nhận đơn (thông báo nhận đơn khởi kiện) là quy định bắt buộc theo quy định. Vì vậy khi nộp đơn người khởi kiện cần yêu cầu cán bộ nhận đơn cung cấp biên nhận, nhận đơn khởi kiện để làm cơ sở yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Trên đây là năm vấn đề bạn cần quan tâm, lưu ý khi đi khởi kiện tranh chấp dân sự.