CÓ THỂ XÁC ĐỊNH ĐƯỢC LỖI CỦA VỢ/ CHỒNG TRONG QUÁ TRÌNH PHÂN CHIA TÀI SẢN CHUNG HAY KHÔNG?

13/04/2019 04:53

Trong một vụ việc ly hôn, quan hệ tài sản giữa hai vợ chồng là vấn đề quan trọng cần giải quyết. Theo quy định của pháp luật về Hôn nhân gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được phân chia theo nguyên tắc chia đôi cho hai người. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có đề cập đến một yếu tố tác động đến việc xác định tỉ lệ phân chia tài sản chung của hai vợ chồng là: “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.” Theo Thông tư liên tịch số 01/2016 hướng dẫn thi hành Luật HN&GĐ năm 2014 thì “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. 


Quy định nêu trên là sự thay đổi mới nhằm mục đích đảm bảo quyền và lợi ích của mỗi bên trong quá trình phân chia tài sản chung khi ly hôn. Bởi lẽ thực tế cho thấy có những trường hợp một bên vợ, chồng trong quá trình chung sống không chăm lo làm ăn, cố tình phá tán tài sản, cờ bạc, rượu chè, hút sách, gây nợ nần…, có hành vi ngoại tình, vi phạm chế độ một vợ một chồng, bòn rút tiền của gia đình cho người tình, có hành vi bạo lực gia đình, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm… Những trường hợp này khi tiến hành thủ tục ly hôn sẽ được Tòa án xem xét trong việc phân chia tài sản, theo hướng người nào có lỗi, lỗi nhiều hơn sẽ nhận được tài sản ít hơn và ngược lại.

Có thể nói đây là một trong những nguyên tắc thể hiện sự bình đẳng ngay cả khi mối quan hệ hôn nhân đã chấm dứt. Điều này bảo đảm sự công bằng, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật về Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, trong thực tế quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, việc chứng minh lỗi của một bên trong quan hệ vợ chồng dẫn đến ly hôn hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi những lí do sau đây:

Thứ nhất, khó có thể xác định được mức đgộ lỗi của một bên trong quan hệ vợ chồng. Trong mối quan hệ tình cảm, có rất nhiều ranh giới khó có thể xác định được rõ ràng. Khi một mâu thuẫn xảy ra giữa vợ chồng, thông thường có lỗi của cả hai bên. Tới Toà án, người vợ khai người chồng thiếu quan tâm, chăm sóc, không sống chung nên người vợ mới đi ngoại tình. Người chồng khai người bị vợ thường xuyên xúc phạm nên người chồng không quan tâm đến người vợ … Rõ ràng, mỗi vợ chồng, mỗi gia đình là một hoàn cảnh, có nhiều nguyên nhân đan xen nhau, nguyên nhân này là tiền đề của mâu thuẫn gia đình, rồi chính mâu thuẫn đó lại là nguyên nhân, là tiền đề của mâu thuẫn mới nên không thể xác định được lỗi thuộc về ai, ai là người nhiều lỗi hơn, ai là người ít hơn. Vì vậy, rất khó khăn cho Tòa án trong việc xác định lỗi của bên nào nhiều hơn? Tài sản sẽ phân chia theo tỷ lệ như thế nào?

Thứ hai, khó có thể đưa ra được chứng cứ cụ thể liên quan đến lỗi của bên vi phạm.Để được Tòa án xem xét đến vấn đề lỗi khi phân chia tài sản chung, người bị vi phạm phải đưa ra được chứng cứ về lỗi của người vi phạm. Ví dụ, nếu một người yêu cầu ly hôn vì lý do người kia ngoại tình thì phải đưa ra được bằng cớ về hành vi ngoại tình của người kia như hình ảnh, tin nhắn, ghi âm, biên bản ghi sự việc có người chứng kiến.... Tuy nhiên, trong mối quan hệ hôn nhân, có rất nhiều chuyện tế nhị mà không thể chứng minh được bằng những chứng cứ “tai nghe mắt thấy” được.

Thứ ba, khó xác định vi phạm liên quan đến quyền, nghĩa vụ trong quan hệ nhân thân của vợ chồng. Trong quan hệ nhân thân, luật có một quy định Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác. Nghĩa vụ yêu thương, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, nghĩa vụ sống chung vv… như điều luật qui định là những thuật ngữ mang tính định tính, trừu tượng nên khi xét xử, Toà án khó xác định vợ chồng có vi phạm về quyền, nghĩa vụ về nhân thân, thậm chí là không thể.

Thứ tư, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2016 thì lỗi này phải là nguyên nhân dẫn đến việc hai vợ chồng ly hôn nhưng trên thực tế Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng không phải là căn cứ để Toà án giải quyết cho các bên ly hôn. Căn cứ để Toà án cho vợ chồng ly hôn được qui định tại Điều 55, 56 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014. Khoản 1 Điều 56 qui định: Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Với nội dung qui định này thì lỗi mỗi bên không phải là một căn cứ để Toà án giải quyết cho ly hôn. Nếu không phải là một căn cứ để cho ly hôn thì Toà án không nhận định trong bản án về lỗi nên không có cơ sở nhận định việc chia tài sản cho vợ hay chồng được hưởng nhiều hơn do người kia có lỗi trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Do đó, hướng dẫn tại thông tư liên tịch số 01/2016 có phần không thống nhất với quy định tại Luật hôn nhân gia đình 2014 dẫn đên skhos áp dụng trong thực tế.

Vì những lý do trên đây, xét thấy việc xác định rõ ràng và định lượng mức độ lỗi của một bên trong quan hệ vợ chồng là điều khó có thể thực hiện trong thực tế tiến hành tố tụng tại Tòa án. Để áp dụng được quy định này trong thực tế, cần có hướng dẫn cụ thể và thống nhất từ phía cơ quan nhà nước, đồng thời đương sự khi tham gia vụ án cần đưa ra được những chứng cứ xác thực cho yêu cầu của mình.