Cập nhật mới nhất: Hai Nghị quyết sau 01/07/2025 thay đổi mạnh mẽ cơ cấu, thẩm quyền Tòa án và thủ tục tố tụng

Ngày đăng: 05/07/2025
Luật Sư Khánh Hòa

1. Tòa án nhân dân khu vực: Chính thức tiếp nhận hàng loạt thẩm quyền từ cấp huyện

Theo Điều 5 Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐTP, kể từ 01/7/2025, Tòa án nhân dân khu vực được thành lập và kế thừa gần như toàn bộ thẩm quyền sơ thẩm từ Tòa án cấp huyện, bao gồm:

a. Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 268 của BLTTHS đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 99/2025/QH15. 

b. Xét xử sơ thẩm dân sự quy định tại Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự, hành chính theo quy định tại Điều 31 của Luật tố tụng hành chính được sửa đổi bổ sung theo Luật số 84/2025/QH15.

c. Giải quyết phá sản doanh nghiệp theo Điều 8 Luật Phá sản được sửa đổi bởi Luật số 85/2025/QH15.

d. Sơ thẩm vụ án hành chính, vụ việc dân sự; giải quyết vụ việc phá sản và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa thụ lý.

e. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa người nghiện dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện

f. Thực hiện thủ tục tương trợ tư pháp như uỷ thác tư pháp, dẫn độ, chuyển giao người chấp hành án phạt tù.

2. Tòa án cấp tỉnh và Tòa Phúc thẩm TAND tối cao

Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ tiếp nhận các nhiệm vụ mới như:

a. Phúc thẩm các bản án của TAND khu vực.

b. Sơ thẩm các vụ án hình sự theo khoản 2 Điều 268 của BLTTHS đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 99/2025/QH15.

c. Xem xét đơn kiến nghị hủy phán quyết trọng tài.

d. Giải quyết tố cáo, khiếu nại đối với người tiến hành tố tụng tại TAND cấp huyện, khu vực.

e. Xem xét theo thủ tục giám đốc thầm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật mà Tòa án nhân dân cấp cao đã thụ lý trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong, bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật.

Trong khi đó, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao, một cấp xét xử mới, sẽ chịu trách nhiệm:

a. Phúc thẩm các bản án bị kháng cáo từ TAND cấp tỉnh.

b. Giải quyết các kháng nghị về quyết định phá sản, hòa giải thành.

c. Giải quyết khiếu nại hành vi tố tụng của cấp tỉnh, cấp cao.

3. Giám đốc thẩm, tái thẩm và kiến nghị phá sản: Thẩm quyền thuộc TAND tối cao

Theo Điều 2 Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐTP:

TAND tối cao sẽ trực tiếp xét đơn giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật thuộc thẩm quyền cấp cao hoặc cấp tỉnh trước đây

Tiếp nhận và xử lý kiến nghị xem xét lại quyết định phá sản, đặc biệt là những hồ sơ đã nộp trước 1/7/2025.

Tòa án nhân dân tối cao kể thừa quyền, trách nhiệm của các Tòa án nhân dân cấp cao theo quy định của pháp luật.

Giải quyết các vụ việc, thực hiện nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền củaTòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 01/2025/NQ-HĐTP.

4. Cập nhật quy định về án treo, phá sản và án lệ: Thay đổi thực chất

Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP sửa đổi loạt nghị quyết chuyên đề:

a) Án treo –  Điều 4 sửa đổi khoản 1 và khoản 6 Điều 11 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP như sau:

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ buộc thi hành án treo, Chánh án TAND khu vực hoặc quân sự khu vực phải thành lập Hội đồng xét buộc thi hành án.

Quyết định buộc chấp hành án phải được gửi đến đầy đủ các bên liên quan trong vòng 3 ngày.

b) Áp dụng án lệ trong phá sản:

Khi giải quyết vụ việc phá sản, Thẩm phán phải nghiên cứu, áp dụng án lệ đổi với vụ việc phá sản có tính huống pháp lý tương tự (sửa đổi khoản 1 Điều 4 NQ 03/2016/NQ-HĐTP)

c) Công bố và áp dụng án lệ:

Cập nhật mẫu biểu và cho phép Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh đề xuất án lệ (sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 6 NQ 04/2019/NQ-HĐTP sửa đổi)

5. Một số thay đổi kỹ thuật quan trọng khác

  • Thay từ “TAND cấp huyện” bằng “TAND khu vực” tại nhiều điểm trong các nghị quyết cũ

  • Cập nhật mẫu biểu ban hành kèm theo các Nghị quyết chuyên đề (án lệ, án treo, hình sự)

  • Ghi nhận các quyền và nghĩa vụ tố tụng được kế thừa nếu cơ quan, tổ chức bị giải thể, chia tách, hoặc sáp nhập (Điều 8 NQ 01/2025/NQ-HĐTP)

6. Quy định chuyển tiếp các vụ việc chưa giải quyết tại thời điểm tổ chức lại hệ thống Tòa án

Theo Điều 6 Nghị quyết số 01/2025/NQ-HĐTP, những vụ việc sau sẽ được chuyển giao hoặc giữ nguyên tùy giai đoạn tố tụng:

  • Nếu TAND cấp huyện đã thụ lý và chưa hòa giải/đối thoại, thì vụ việc chuyển sang TAND khu vực giải quyết từ ngày 01/7/2025

  • Nếu đã hòa giải/đối thoại xong, đã giao hồ sơ cho thẩm phán thì TAND khu vực tiếp nhận nhiệm vụ Toà cấp huyện này tiếp tục giải quyết đến khi ra bản án, quyết định có hiệu lực

  • Bản án, quyêt định của Tòa án nhân dân khu vực thuộc trường hợp đã tổ chức hoà giải trước ngày 01/07/2025 tiếp tục giao Tòa án nhân dân khu vực tiếp nhận nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp huyện đó tiếp tục giải quyết bị hủy để giải quyêt lại theo thủ tục sơ thẩm thì phải giao vụ án đó cho Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15 giải quyết

Hai nghị quyết số 01/2025 và 02/2025/NQ-HĐTP đã mở đầu cho một chu kỳ cải cách tư pháp mới, mang tính hệ thống, chặt chẽ và rõ ràng hơn. Từ thay đổi mô hình tổ chức tòa án, cơ cấu lại thẩm quyền xét xử, đến thống nhất mẫu biểu, chuẩn hóa thủ tục và mở rộng khả năng áp dụng án lệ, hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam đang từng bước hướng tới chuẩn mực xét xử hiện đại, công khai và thống nhất pháp luật.

Người dân, luật sư và doanh nghiệp cần nắm rõ các nội dung này để kịp thời thích nghi, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ việc sắp tới.

Nghị quyết số 01/2025/NQ-HĐTP tải xuống tại đây

Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP tải xuống tại đây.

Chia sẻ bài viết