Trong một vụ án dân sự, điều gì làm nên chiến thắng? Sự thật? Luật pháp? Hay là một bằng chứng quyết định được tung ra đúng lúc? Trong vai trò một luật sư tranh tụng nhiều năm trước Tòa, tôi đã nhiều lần chứng kiến sự thay đổi cục diện vụ án chỉ bởi một "lật bài" bất ngờ - một bản khai, một đoạn ghi âm, hay một tài liệu được giữ kỹ đến phút cuối cùng.
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, sau khi đã thu thập đầy đủ chứng cứ, Tòa án sẽ tiến hành phiên hòa giải và công khai chứng cứ. Đây là bước quan trọng, nhưng đây cũng có thể là "con dao hai lưỡi" đối với bên nắm giữ bằng chứng quan trọng. Việc cung cấp quá sớm những chứng cứ quan trọng đôi khi mang lại sự bất lợi nghiêm trọng.
Chẳng hạn, một khách hàng của tôi, với vai trò là bị đơn, đã sở hữu những bản khai của những nhân chứng rất có lợi. Tuy nhiên, tôi quyết định giữ lại những chứng cứ đó, không đưa ra trong phiên công khai chứng cứ. Tôi lo ngại, rằng bên kia, nếu biết trước, sẽ tìm cách gây áp lực tinh thần để khiến nhân chứng thay đổi lời khai hoặc từ chối xuất hiện.
Và rõ ràng, chiến thuật này đã mang lại kết quả. Tại phiên tòa sơ thẩm, tôi bất ngờ trình bày những bản khai quan trọng đó trước Hội đồng xét xử, khi bên kia đã không còn đủ thời gian để đối phó. Tôi không vi phạm pháp luật, nhưng tôi đã sử dụng luật một cách linh hoạt.
Bài học ở đây là gì? Trong tố tụng dân sự, không chỉ có việc có chứng cứ, mà cần có nghệ thuật sử dụng chứng cứ. Khi nào nên cung cấp? Khi nào nên giữ lại? Khi nào cần "ra đòn" để đối phương không kịp trở tay? Đó là nghệ thuật, đó là trí tuệ, đó là chỗ mà kinh nghiệm và bản lĩnh luật sư được toả sáng.
Trong chiến trường pháp lý, người làm nghề không chỉ là một chiến binh, mà là một nghệ nhân, với tác phẩm là những chiến thuật tinh tế được dùng đúng lúc, đúng chỗ. Đó chính là nghệ thuật sử dụng chứng cứ trong vụ án dân sự.
Luật sư Nha Trang