GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

23/04/2023 23:29

1. Có thể tiến hành giải quyết cùng lúc vấn đề dân sự trong vụ án hình sự hay không?

Tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cụ thể như sau :

“Điều 30. Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Cụ thể hơn, tại mục 2 Phần I Công văn 121/2003/KHXX quy định nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự như sau:

I. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

...

2. Về nguyên tắc chung phần dân sự trong vụ án hình sự phải được giải quyết cùng với xem xét về phần hình sự trong cùng vụ án hình sự. Chỉ được tách để giải quyết phần hay một phần dân sự trong vụ án hình sự bằng một vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu, nếu phần dân sự được tách không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Chưa tìm được, chưa xác định được người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự;

b. Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu;

c. Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự đã có yêu cầu, nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và của Toà án nói riêng;

d. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân dự vắng mặt tại phiên toà và sự vắng mặt của họ thật sự trở ngại cho việc giải quyết phần dân sự.

2. Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì không quy định cụ thể về việc giải quyết những vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Tuy nhiên, tại mục 1 Phần I Công văn 121/2003/KHXX hướng dẫn phần dân sự trong vụ án hình sự cụ thể như sau:

“I. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Phần dân sự trong vụ án hình sự được hướng dẫn trong Công văn này bao gồm: đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt, nhưng đã bị mất hoặc bị huỷ hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.”

Trong đó, tại mục 2 Phần II Công văn 121/2003/KHXX  quy định việc giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự tại phiên toà hình sự sơ thẩm cụ thể như sau:

“II. VIỆC GIẢI QUYẾT TRONG TỪNG TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

2. Tại phiên toà hình sự sơ thẩm

Việc giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự tại phiên toà hình sự sơ thẩm cần phân biệt như sau:

a. Trong trường hợp thuộc điểm a mục 3 Phần I của Công văn này mà trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà và các thành viên khác của Hội đồng xét xử sơ thẩm chưa phát hiện được hoặc đã phát hiện được nhưng cho rằng có thể bổ sung được thì Hội đồng xét xử sơ thẩm phải tạm dừng phiên toà và vào phòng nghị án thảo luận, thông qua quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cần chú ý là nếu qua tranh luận hoặc nghị án mới phát hiện được thì phải trở lại xét hỏi rồi mới xem xét, quyết định.

b. Trong trường hợp thuộc điểm b mục 3 Phần I của Công văn này mà trong giai đoạn chuẩn bị xét xử cũng như tại phiên toà vẫn không làm được rõ hơn và xét thấy thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại mục 2 Phần I của Công văn này thì Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định tách phần dân sự để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự, khi có yêu cầu. Cần chú ý là trong trường hợp này nếu người bị hại, nguyên đơn dân dự thể hiện ý chí là không có yêu cầu giải quyết phần dân sự hoặc các bên đã tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vấn đề này và xét thấy sự thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội, thì Hội đồng xét xử sơ thẩm ghi nhận việc đương sự không có yêu cầu hoặc sự thoả thuận đó của đương sự trong bản án hình sự sơ thẩm.

3. Khi nào Tòa án thụ lý để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự?

Tại mục 1 và 2 Phần III Công văn 121/2003/KHXX quy định về vấn đề thụ lý phần dân sự trong vụ án hình sự cụ thể như sau:

“III. THỦ TỤC THỤ LÝ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ PHẦN DÂN SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

1. Trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm, Toà án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quyết định tách phần dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự, khi có yêu cầu theo hướng dẫn tại các điểm, mục tương ứng Phần II của Công văn này, thì Toà án chỉ thụ lý để giải quyết phần dân sự khi đương sự có yêu cầu (có đơn yêu cầu hoặc đơn khởi kiện). Việc thụ lý và giải quyết vụ án được tiến hành theo thủ tục chung theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

2. Trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc Toà án cấp phúc thẩm, Toà án cấp giám đốc hoặc tái thẩm quyết định tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra theo hướng dẫn tại các điểm, mục tương ứng Phần II của Công văn này, thì sau khi nhận được hồ sơ do Viện kiểm sát chuyển đến Toà án cấp sơ thẩm thụ lý và chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục chung theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.