1. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty
- Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự thì tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty là tranh chấp về kinh doanh, thương mại:
“Điều 30. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
...
4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.”
- Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty cần phân biệt như sau:
Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty là các tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty (thông thường phần vốn góp đó được tính bằng tiền, nhưng cũng có thể bằng hiện vật hoặc bằng giá trị quyền sở hữu công nghiệp); về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với mỗi công ty cổ phần; về quyền sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về yêu cầu công ty đổi các khoản nợ hoặc thanh toán các khoản nợ của công ty, thanh lý tài sản và thanh lý các hợp đồng mà công ty đã ký kết khi giải thể công ty; về các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
2. Các phương thức giải quyết tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty
Giải quyết tranh chấp giữa công ty với các thành viên trong công ty, phương thức giải quyết cũng giống như giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại. Theo đó, có bốn phương thức giải quyết sau. Cụ thể:
Phương thức thứ nhất: Phương thức thương lượng. Phương thức thương lượng là phương thức đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đây là phương thức đơn giản nhất nên hầu như khi bắt đầu có tranh chấp xảy ra các cá nhân tổ chức đều lựa chọn giải quyết. Tuy nhiên, do đây là phương thức thể hiện ở việc các bên trong trranh chấp chủ động gặp gỡ nhau, bàn bạc, thỏa thuận về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mỗi bên. Kết quả giải quyết cũng do các bên lựa chọn nên phương thức này đem lại hiệu quả thường không cao trong trường hợp các bên không thương lượng, thỏa thuận được.
Phương thức thứ hai: Phương thức hòa giải tại Trung tâm hòa giải (hòa giải thương mại): Hòa giải thương mại là là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Cũng giống như phương thức thương lượng, kết quả giải quyết cũng do các bên lựa chọn, Hòa giải viên thương mại chỉ là bên am hiểu các quy định về tranh chấp và đưa ra các ý kiến để hai bên hòa giải. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không thương lượng, thỏa thuận được thì phương pháp này cũng không được giải quyết triệt để các vấn đề về tranh chấp. Trình tự thủ tục giải quyết theo phương thức giải quyết bằng hòa giải tại trung tâm hòa giải sẽ được giải quyết theo Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan.
Phương thức thứ ba: Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại. Cơ chế giải quyết trạnh chấp bằng trọng tài là sự kết hợp giữa hai yếu tố thỏa thuận và tài phán. Thỏa thuận làm tiền đề cho phán quyết và không thể có phán quyết thoát ly những yếu tố đã được thỏa thuận. Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 có quy định : “Phán quyết trọng tài là chung thẩm”. Điều đó đồng nghĩa với việc Hội đồng trọng tài khi đưa ra phán quyết thì phán quyết đó có hiệu lực thi hành ngay, các bên không được quyền kháng cáo lên Trọng tài cấp trên hoặc ra Tòa án. Tuy nhiên, các bên vẫn có quyền thách thức phán quyết của Trọng tài ra Tòa án, có quyền yêu cầu Hủy phán quyết của Trọng tài. Phương thức giải quyết tranh chấp Trọng tài Việt Nam sẽ thực hiện theo quy định tại Luật trọng tài thương mại 2010 và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan.
Phương thức thứ tư: Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án. Về bản chất, phương thức giải quyết tranh chấp giữa công ty với các thành viên trong công ty tại Tòa án là một phương thức mang ý chí quyền lực nhà nước, tòa án nhân danh quyền lực nhà nước để giải quyết tranh chấp trên cơ sở các quy định của pháp luật. So với những phương thức giải quyết bằng thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại thì phương thức giải quyết bằng Tòa án là phương thức được coi là thủ tục chặt chẽ, mang tính quyền lực nhà nước và có giá trị thi hành cao. Do đó phương pháp này được đông đảo các cá nhân tổ chức áp dụng khi có tranh chấp giữa công ty với các thành viên trong công ty xảy ra.