PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

22/09/2019 02:42

Trong quá trình vận hành một doanh nghiệp, rủi ro xảy ra gây tổn thất đến dòng tài chính của công ty là điều không tránh khỏi. Khi gặp phải rủi ro, một số doanh nghiệp đã vượt qua được và tiếp tục hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại không thể giải quyết được vấn đề tài chính. Do đó, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Trong tình huống này, việc tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp là điều cần thiết cho doanh nghiệp.

1. KHI NÀO DOANH NGHIỆP BỊ COI LÀ PHÁ SẢN?

Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Như vậy, một doanh nghiệp được coi là phá sản khi thỏa mãn đồng thời hai điều kiện: 
- Thứ nhất, doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán;
- Thứ hai, doanh nghiệp bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.


2. VỀ THỦ TỤC PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

2.1. Nộp hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản: 

Căn cứ điều 5, Luật Phá sản 2014 các chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm:

– Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần.
– Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.
– Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng
– Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã – Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

Tất cả các chủ thể phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Toà án có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Luật phá sản. Cụ thể:

“1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
b) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
d) Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.”

Đối với các chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp khác nhau sẽ có nội dung đơn và hồ sơ, các tài liệu chứng cứ đi kèm khác nhau, được quy định cụ thể từ điều 26 đến điều 29, Luật phá sản 2014

2.2. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu thấy cần sửa đổi đơn, bổ sung tài liệu thì Tòa án yêu cầu Doanh nghiệp thực hiện việc sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu sửa đổi, bổ sung của Toà án. Trường hợp đặc biệt, Tòa án nhân dân có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. (Căn cứ theo điều 34 Luật phá sản).

Sau 03 ngày kể từ thời điểm nộp hồ sơ, Tòa án sẽ ra Thông báo nộp lệ phí phá sản. Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ. (Căn cứ điều 39 Luật phá sản)

2.3. Mở thủ tục phá sản doanh nghiệp: 

Trong thời hạn 30 ngày sau khi thụ lý đơn, Tòa án sẽ xem xét đưa ra Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản sau khi xem xét tất cả các căn cứ chứng minh doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản;

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, căn cứ vào quy định cụ thể của Luật này, Thẩm phán quyết định áp dụng một trong hai thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc quyết định chuyển từ áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sang áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản;

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ thông báo quyết định mở thủ tục phá sản đến doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp đó.