DI SẢN THỪA KẾ CHƯA CHIA NẾU BỊ CHUYỂN NHƯỢNG CÓ ĐÒI LẠI ĐƯỢC KHÔNG?

27/07/2018 07:21

CÂU HỎI:

Ba mẹ tôi có 7 người con trong đó có 2 người con đang định cư ở Pháp và Anh và một người con đã mất năm 2012 (đã có vợ và 1 con 3 tuổi). Lúc còn sống ba mẹ tôi có tạo lập một khối tài sản nhà và đất với diện tích 967 m2 tại Nha Trang. Ba mẹ tôi mất do tai nạn giao thông vào năm 2016 và không để lại di chúc. Nay người con út đã bán mảnh 1/3 mảnh đất trên mà không có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình.

Vậy: Luật sư cho tôi hỏi chúng tôi có được đòi lại phần diện tích đất đã bán không? Những người được thừa hưởng tài sản của ba mẹ tôi là gồm những ai? Nếu những người thừa kế đều đồng ý bán mảnh đất đó đi mà 2 người ở nước ngoài hiện tại không thể về Việt Nam để ký các giấy tờ chuyển nhượng thì chúng tôi phải làm những thủ tục gì? Xin chân thành cám ơn Luật sư đã tư vấn cho tôi. Nếu có thể tôi muốn sử dụng các dịch vụ bên mình để hoàn tất các thủ tục giấy tờ đúng theo quy định của pháp luật.

TRẢ LỜI:

            Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự cám ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Dựa trên những thông tin nội dung của câu hỏi mà bạn đã cung cấp và đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành chúng tôi xin phép được tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất: Ba mẹ bạn đã qua đời và không để lại di chúc nên di sản là quyền sử dụng đất với diện tích 967 m2 tại Nha Trang sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Căn cứ vào Điều 651 Bộ luât dân sự 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật của ba mẹ theo thứ tự như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy, những người thừa kế theo pháp luật của ba mẹ bạn là 7 người con và ba mẹ của ba mẹ bạn (tức là ông, bà nội, ông, bà ngoại - nếu họ còn sống). Ba mẹ bạn có 1 người con mất trước ba mẹ bạn nên con của người đó sẽ được thừa kế thế vị đối với tài sản mà đáng lý ra nếu còn sống thì ba của cháu sẽ được hưởng.

“Điều 652. Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Thứ hai, vấn đề có một đồng thừa kế đã tự ý chuyển nhượng 1/3 phần đất này cho người khác thì giao dịch chuyển nhượng phần đất đó không có giá trị pháp lý và sẽ bị vô hiệu do vi phạm về điều cấm của pháp luật. Trong trường hợp này những đồng thừa kế khác có thể gửi đơn ra Toà án để yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng này vô hiệu và phần đất trong giao dịch chuyển nhượng đó vẫn thuộc di sản thừa kế chưa chia.

Thứ ba, nếu 2 người con của ba mẹ bạn ở nước ngoài và những đồng thừa kế còn lại đồng ý chuyển nhượng phần đất trên làm thế nào để chuyển nhượng khi 2 người này, không thể về Việt Nam để ký các văn bản liên quan? Trong trường hợp này 2 đồng thừa kế đang ở nước ngoài phải làm hợp đồng ủy quyền cho một người tại Việt Nam có thẩm quyền ký kết các văn bản liên quan. Hợp đồng ủy quyền này chỉ có giá trị pháp lý khi được hợp pháp hóa lãnh sự cụ thể, phải được Đại sứ quán Việt Nam đặt tại nước mà họ định cư Công chứng/chứng thực chữ ký và sau khi được công chứng/ chứng thực chữ ký tại Đaị Sứ quán Việt Nam tại Pháp, Anh thì người đó phải gửi về Việt Nam để người được ủy quyền đến văn phòng công chứng ký tiếp vào phần của bên nhận ủy quyền lúc này Hợp đồng ủy quyền đó mới có giá trị.


Địa chỉ: số 16, Mạc Đĩnh Chi, phường Phước Tiến, Nha Trang, Khánh Hòa

Số điện thoại: (+84.258)3 513 988 hoặc 0914086292 (Luật sư. Hảo)