BẢN ÁN YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ (OAN SAI)

07/01/2019 10:35

BẢN ÁN YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

giữa

I. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Đình Sơn 

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:

Luật sư Vũ Như Hảo  (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Vũ Như Hảo và Cộng sự). Luật sư Hảo tham gia bào chữa cho ông Nguyễn Đình Sơn từ thời điểm ông Sơn là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự về tội "vi phạm việc kê biên tài sản". Trong vụ án hình sự, ông Sơn bị tòa án Ea Kar kết án 6 tháng tù giam về tội "vi phạm việc kê biên tài sản", tòa án cấp phúc thẩm (tòa án Đak Lăk) trả hồ sơ điều tra bổ sung, công an huyện Ea Kar sau khi điều tra bổ sung kết luận ông Sơn không phạm tội, tòa án huyện Ea kar tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Sơn). Sau khi bào chữa thành công cho ông Sơn, luật sư Vũ Như Hảo tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Sơn trong vụ án yêu cầu Tòa án Ea Kar bồi thường thiệt hại.  

II. Bị đơn: Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.

III. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chi Cục Thi hành án Dân sự huyện Ea Kar;

2. Bà Lê Thị Thê.

Tóm tắt vụ án:

Ngày 24/07/2013, Công an huyện Ea Kar đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đình Sơn về tội “Vi phạm việc kê biên tài sản” theo quy định tại khoản 1, Điều 310 Bộ luật Hình sự. Ngày 23/12/2013, Tòa án nhân dân huyện Ea Kar đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Bản án sơ thẩm hình sự số 115/2013/HSST đã tuyên ông Nguyễn Đình Sơn phạm tội “Vi phạm việc kê biên tài sản” và xử phạt ông Nguyễn Đình Sơn 06 (sáu) tháng tù giam. Ông Nguyễn Đình Sơn đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và tại bản án phúc thẩm số 212/2014/HSPT ngày 16/06/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên hủy bản án sơ thẩm số 115/2013/HSST ngày 23/12/2013 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Ea Kar xét xử lại theo thủ tục chung. Ngày 17/06/2015, Công an huyện Ea Kar đã ban hành Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Đình Sơn, với lý do hành vi của ông Nguyễn Đình Sơn không cấu thành tội “Vi phạm việc kê biên tài sản” . Do bị xét xử oan sai nên ông Nguyễn Đình Sơn đã làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Ea Kar phải bồi thường thiệt hại cho ông theo quy định của pháp luật. Do đó, ông Nguyễn Đình Sơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Ea Kar bồi thường thiệt hại.

Yêu cầu của nguyên đơn:

Ông Nguyễn Đình Sơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Ea Kar phải bồi thường thiệt hại bao gồm:

+ Thiệt hại về tổn thất tinh thần trong thời gian bị khởi tố, truy tố, xét xử oan là 683 ngày (từ 24/07/2013 đến 17/06/2015) với số tiền là 35.702.459 đ (Ba mươi lăm triệu, bảy trăm lẻ hai nghìn, bốn trăm năm mươi chín đồng).

+ Thù lao luật sư: 29.000.000 (Hai mươi chín triệu đồng).

+ Thiệt hại tổn thất về vật chất: 740.000.000 đ (Bảy trăm bốn mươi triệu đồng).

Ý kiến của bị đơn: Chỉ chấp nhận bồi thường tổng số tiền là với số tiền 43.376.000đ (Bốn mươi ba triệu, ba trăm bảy mươi sáu nghìn đồng).

Bản án sơ thẩm số: 08/2016/DSST

Tòa án nhân dân huyện Ea Kar

Ngày: 07/06/2016

V/v: “Yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự”

Nội dung bản án:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đình Sơn.


Buộc Tòa án nhân dân huyện Ea Kar phải bồi thường cho ông Nguyễn Đình Sơn thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự với tổng số tiền là 46.225.000 đ (Bốn mươi sáu triệu hai trăm hai mươi lăm nghìn đồng). Trong đó: thiệt hại do tổn thất về tinh thần là 37.565.000 đ (Ba mươi bảy triệu năm trăm sáu mươi lăm nghìn đồng) và chi phí thực tế ( gồm chi phí thuê người bào chữa, chi phí tàu xe đi lại của nguyên đơn) là 8.660.000 đ (Tám triệu sáu trăm sáu mươi nghìn đồng).

Bác yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải bồi thường thiệt hại về tài sản với số tiền 740.000.000 đ (Bảy trăm bốn mươi triệu đồng) và bồi thường thiệt hại chi phí thuê luật sư với số tiền 17.250.000 đ ( Mười bảy triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng).

Luận cứ của Luật sư:

1. Đối với yêu cầu về bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần: Luật sư đồng ý với mức bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần của bị đơn đối với ông Nguyễn Đình Sơn.

2. Đối với mức bồi thường chi phí thuê luật sư: Luật sư đồng ý với phương pháp tính của Tòa, tuy nhiên đối với thời gian của luật sư đề nghị Tòa xem xét lại vì tính còn thiếu thời gian Luật sư gặp bị can, bị cáo, thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa, tiền thuê phòng nghỉ và thiếu số lần đi lại của Luật sư.

3. Đối với yêu cầu bồi thường về vật chất:

a. Cơ sở của việc đòi bồi thường : Xuất phát từ quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đã nhận chuyển nhượng từ ông Giáp và bà Hoa:


Giao dịch chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Sơn với vợ chồng ông Giáp + bà Hoa là có thật, có người làm chứng, có xác nhận của trưởng thôn, có việc giao tiền, có việc giao đất, giao tài sản, các bên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn tự nguyện, mục đích của hợp đồng không trái pháp luật, đạo đức xã hội và đủ điều kiện chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Tuy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này chưa được công chứng, chứng thực nhưng đất chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 29/4/2006.
Mặt khác, Giấy sang nhượng ngày 08/3/2004 giữa ông Sơn và vợ chồng ông Giáp, bà Hoa đã thể hiện những nội dung cơ bản theo đúng quy định tại Điều 708 BLDS 1995 như: tên, địa chỉ các bên, vị trí, ranh giới, giá chuyển nhượng và cả tiến trình thanh toán, một phần quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như quyền của bên thứ ba.

Theo quy định tại điểm b.2 tiểu mục 2.3 mục 2 II Nghị Quyết 02/2004/NQ-HĐTP quy định: “Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tại thời điểm giao kết vi phạm các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2, 3 mục 2 này, nhưng sau đó đã được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 …., thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này”.

Trên thực tế, ông Giáp, bà Hoa đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2003 bằng chứng là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số ADD532188 do UBND huyện Ea Kar cấp ngày 23/03/2006. Như vậy giao dịch này không vô hiệu.

Mặt khác, gia đình ông Sơn cũng đã trồng cây cà phê (loại cây lâu năm) trên đất nhận chuyển nhượng. Theo quy định tại điểm b.3 tiểu mục 2.3 mục 2 II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP thì “Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2.3 mục 2 này, nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố... và bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì Toà án công nhận hợp đồng”.

Do đó, việc Tòa án nhân dân huyện Ea Kar - bị đơn nhận định “các bên chưa làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ qua các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật đất đai. Ông Sơn, bà Thê cũng không cung cấp được quyết định cấp đất hoặc GCNQSDĐ hoặc giấy tờ hợp pháp diện tích đất của ông Bùi Văn Giáp trước lúc ông Sơn, bà Thê nhận chuyển nhượng… Nên hiện tại TAND huyện Eakar không có cơ sở để xem xét việc đền bù thiệt hại về vật chất” là không đúng với hướng dẫn trên đây của HĐTP TAND tối cao. Lẽ ra bị đơn phải dựa vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Giáp, bà Hoa và ông Sơn đồng thời vận dụng hướng dẫn trên của HĐTP TANDTC để bồi thường thiệt hại về vật chất cho gia đình ông Sơn.

Ngoài ra, trên thực tế ông Giáp, bà Hoa – người sử dụng đất đã giao đất và quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất cho ông Sơn – người được chuyển nhượng từ ngày 08/3/2004 và ông Sơn đã nhận đất và quyền sử dụng đất cũng như đóng thuế theo đúng quy định của nhà nước từ năm 2004 đến nay; mặt khác, vợ chồng ông Sơn cũng đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ông Giáp, bà Hoa. Ông Sơn chỉ đợi thời điểm thích hợp để làm thủ tục sang tên trên giấy tờ (ông Sơn bị cơ ngăn chặn không cho làm GCN QSDĐ).       
Như vậy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Sơn và vợ chồng ông Giáp, bà Hoa là được pháp luật công nhận. Quyền sử dụng đất do đó thuộc sở hữu của ông Sơn. Do đó ông Sơn có quyền yêu cầu bồi thường đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước xâm phạm đến quyền sử dụng đất của mình.

b. Thiệt hại:


Từ cơ sở trên, Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Sơn như sau:
a)    Thu nhập từ cây tiêu:

+ Năm 2014: 5.000 m2 trồng được 800 cây tiêu, một cây thu được 1kg tiêu, giá tiêu là 200.000 đ/kg => thu nhập = 800 cây * 1kg * 200.000 đ = 160.000.000 VND;

+ Năm 2015: sang năm thứ 3 một cây tiêu thu khoảng 4 – 5kg tiêu khô, giá tiêu 200.000 đ/kg = 800 cây * 4kg * 200.000đ = 640.000.000 VND

b)   Chi phí để trồng cây tiêu: Chi phí chăm sóc cây tiêu: 60.000.000 VND;

c)    Thu nhập sau khi trừ chi phí: (160.000.000 + 640.000.000) – 60.000.000 VND = 740.000.000 VND.

Tổng cộng25.910.000 + 740.000.000 + 35.700.000 = 801.610.000 đồng

Vai trò của Luật sư:

Trong vụ án yêu cầu Tòa án Ea Kar bồi thường thiệt hại, vai trò của Luật sư Vũ Như Hảo không thể hiện nhiều. Tuy nhiên, vai trò của Luật sư Vũ Như Hảo là rất quan trọng trong vụ án hình sự vì đã minh oan cho ông Nguyễn Đình Sơn. Trong vụ án hình sự, ông Sơn bị khởi tố về tội “Vi phạm việc kê biên tài sản”. Bản án hình sự sơ thẩm xử phạt ông Nguyễn Đình Sơn 06 (sáu) tháng tù giam. Luật sư đã đấu tranh với cơ quan tiến hành tố tụng để chứng minh ông Nguyễn Đình Sơn không phạm tội. Kết quả của cuộc đấu tranh là Tòa án cấp phúc thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Và khi điều tra bổ sung, Công an huyện Ea Kar đã ban hành quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Đình Sơn vì hành vi của ông Nguyễn Đình Sơn không cấu thành tội “Vi phạm việc kê biên tài sản”

Một người không có tội bỗng dưng bị đẩy vào vòng lao lý do xét xử oan sai. Rất may, ông Nguyễn Đình Sơn chưa bị thi hành án nên hậu quả oan sai chưa nghiêm trọng như trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn và ông Huỳnh Văn Nén... Dù ông Sơn may mắn hơn những vụ án oan khác vì họ mất một khoản thời gian rất dài để có thể xác định đó là án oan thì với vụ án của ông dưới sự hỗ trợ của Luật sư người luôn đồng hành cùng ông thì mất khoảng thời gian 02 (hai) năm để đi tìm lại chân lý, lẽ phải và sự trong sạch cho bản thân ông. Tuy nhiên, dù phát hiện án oan sớm hay muộn hơn thì hậu quả của việc xét xử oan sai luôn luôn tồn tại. 


Khi xảy ra án oan thì phải bồi thường nhưng bồi thường như thế nào là đủ và công bằng đối với người bị oan sai? Nỗi đau khổ, sự mất mát, thiệt hại cả về vật chất và tinh thần khó có thể bù đắp nổi. Trong vụ án "Yêu cầu bồi thường hoạt động tố tụng hình sự” dù Tòa án chỉ chấp nhận một phần yêu cầu ông Sơn đưa ra nhưng bản thân ông vẫn cảm thấy an ủi phần nào khi cầm trên tay bản án.

Toàn văn bản án xem TẠI ĐÂY

 
>